Loay hoay xử lý vi phạm cam kết
Ngày 8/3, Sở Y tế Cà Mau gửi công văn đến các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, đại học y dược, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên toàn quốc.
Đơn vị đề nghị những nơi trên không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng đối với nữ bác sĩ P.H.T, do người này được UBND tỉnh cử đi đào tạo nhưng không thực hiện đúng cam kết.
Nữ bác sĩ tốt nghiệp năm 2019 tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ngành Y đa khoa theo diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng, với cam kết sau khi ra trường sẽ trở về địa phương làm việc ít nhất 5 năm.
Sau khi tốt nghiệp từ tháng 12/2019, người này về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời đến ngày 7/10/2022 thì tự ý nghỉ việc khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đây không phải lần đầu tiên Sở Y tế Cà Mau ra công văn “cấm cửa” các bác sĩ. Hồi tháng 9/2022, đơn vị này cũng từng có văn bản đề nghị cơ sở y tế cả nước không nhận bác sĩ bỏ việc sau khi được cử đi đào tạo.
Đầu tháng 3/2023, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng gửi công văn đến các cơ sở y tế, trường đại học y khoa trên cả nước đề nghị các đơn vị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vì những người này đã vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương khi cam kết phục vụ từ 6 đến 10 năm, nhưng đều tự ý nghỉ việc và chưa bồi thường khoản kinh phí đã nhận cho tỉnh.
Hồi tháng 5/2020, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp không tiếp nhận một bác sĩ được đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng tỉnh Đồng Nai nhưng vi phạm cam kết đào tạo với tỉnh.
Đó là ông L.H.V, ngụ P.Tân Biên, Tp.Biên Hòa được cử đi đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng tại Trường Đại học Y dược Tp.HCM khóa 2008-2014 chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Năm 2014, ông V. tốt nghiệp và được phân công công tác về Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, sau đó chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Tháng 8/2015, ông V. được Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cử đi đào tạo bác sĩ nội trú, chuyên ngành gây mê hồi sức tại Trường Đại học Y dược Tp.HCM đến tháng 11/2018 thì tốt nghiệp.
Ngày 1/10/2018, ông V. gửi đơn xin thôi việc và tự ý bỏ việc, không đến cơ quan làm việc kể từ ngày 1/11/2018.
Do người này chưa hoàn thành nghĩa vụ theo cam kết với tỉnh khi được cử đi đào tạo và chưa thực hiện bồi thường chi phí đào tạo cho tỉnh Đồng Nai nên Sở Y tế địa phương đã đề nghị các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập của tỉnh không tiếp nhận trường hợp này.
Cần cư xử văn minh theo pháp luật
Theo các cán bộ quản lý y tế, việc viên chức bác sĩ được cử đi học rồi tự ý xin nghỉ việc ra làm riêng hay làm cho cơ sở tư nhân là gây thiệt hại cho phía bệnh viện nói riêng và kinh phí nhà nước nói chung.
Nhưng vấn đề cần đặt ra, khi viên chức bác sĩ không thực hiện theo cam kết, tại sao cơ quan quản lý Nhà nước về y tế không áp dụng các biện pháp pháp lý để thu hồi chi phí đào tạo mà lại sử dụng văn bản hành chính để “cấm cửa” các bác sĩ tại các cơ quan, địa phương khác.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, chỉ ra, thực tế bệnh viện kiện bác sĩ đòi chi phí đào tạo là có, và điều này đã quy định trong Luật Viên chức. Đó là chưa kể Sở Y tế và bệnh viện các tỉnh, thành cũng có các đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ và đã từng khởi kiện vì sau khi đào tạo thì sinh viên, bác sĩ không chịu về tỉnh làm việc.
“Đây là một thực tế mà các tỉnh, bệnh viện địa phương, kể cả bệnh viện ở thành phố lớn cũng đang lo vì không giữ được nguồn nhân lực, tạo ra lỗ hổng lớn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến dưới”, ông Khuê băn khoăn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa đánh giá: “Trước hết, cần xác minh các bác sĩ là viên chức đi học từ ngân sách theo diện thu hút hoặc được cử đi đào tạo có thực hiện đúng các cam kết làm việc phục vụ tỉnh, cũng như thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng làm việc theo luật hay chưa”.
Trường hợp nếu xác định các bác sĩ không thực hiện đúng theo quy định, theo các thỏa thuận với tỉnh về thời gian cam kết làm việc thì việc tự ý nghỉ việc của các bác sĩ trong thời hạn cam kết là việc vi phạm thỏa thuận.
Khi đó căn cứ Luật Viên chức, Nghị định 101/2017 (về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức), để bảo vệ quyền lợi của mình, người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức cần thành lập hội đồng xét bồi thường để xác định chi phí bồi thường mà viên chức phải chi trả khi chấm dứt hợp đồng trước cam kết, tuân theo các trình tự, thủ tục theo quy định; sau đó ban hành quyết định bồi thường gửi đến người phải bồi thường để thực hiện việc nộp trả đầy đủ các chi phí bồi thường.
Trường hợp người phải bồi thường, ở đây là các bác sĩ đã nhận tiền từ ngân sách tỉnh để đi đào tạo, không thực hiện việc bồi thường thì cơ quan, đơn vị đã bỏ tiền ra để chi trả cho việc đào tạo có quyền khởi kiện để yêu cầu hoàn trả.
Nhìn nhận từ 2 phía, luật sư Lễ cho rằng, hành vi của các viên chức sau khi được đào tạo đã tự ý bỏ việc là vi phạm cam kết với Sở Y tế, nhưng các cơ quan này cũng vi phạm pháp luật đối với viên chức nói riêng hoặc người lao động nói chung.
“Các sở y tế ra văn bản đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết là có dấu hiệu về cản trở quyền làm việc của công dân”, luật sư Hồ Nguyên Lễ nói.
Nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực
Một Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tại Tp.HCM bình luận, quá trình đề xuất một cán bộ đi đào sau đại học hoặc bổ túc chuyên ngành thì “bệnh viện phải căn cứ vào nhu cầu thực tế cần thiết để phục vụ chuyên môn, căn cứ đề xuất của khoa và nguyện vọng của cá nhân là tha thiết được học và sẽ phục vụ lâu dài cho bệnh viện”.
Do đó, nếu các bác sĩ sau khi đã tham gia khóa đào tạo lại nảy sinh ý định khác nhằm phục vụ cho cá nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn trong phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, đảo lộn về nhân sự, nhất là tuyến tỉnh, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
“Một vấn đề nổi cộm hiện nay là nhiều bác sĩ tuyến tỉnh được cử đi đào tạo xong là ở lại thành phố. Vậy là bệnh viện tuyến dưới đã yếu lại càng yếu, mất niềm tin của người bệnh với tuyến y tế cơ sở”, người này lo lắng.